Nhưng cuối cùng nghĩ lại chọn Melia có khi lại tốt hơn nhiều, địa điểm ngay trung tâm, phòng cưới to đẹp.
Riêng ở Việt Nam thì tôi quyết định khá chóng vánh, đặc biệt là nếu bạn có sẵn ngân sách và khoanh vùng địa điểm tổ chức thì không có gì khó khăn. Ngay khi báo tin đính hôn thì bố tôi đã có hai đề xuất, một là khách sạn Sheraton trong trường hợp ít khách, hai là Trung tâm Hội nghị Quốc Gia (HNQG) nếu đông khách. Bố tôi ngay từ đầu đã đưa ra con số từ 500 đến 700 khách (tại bác cũng hơn 40 năm tuổi nghề nên quen biết nhiều, sợ mời người này mà không mời người kia thì lại mang tiếng, đặc biệt họ hàng nhà tôi cực đông) và làm tại Trung tâm HNQG cho nó… đúng kiểu cán bộ nhà nước.
Tôi thì nghĩ ngược lại, với một khoản tiền như thế, nhưng với số lượng chỉ khoảng 200 khách, làm ở khách sạn thì sẽ đẹp đẽ và sang trọng hơn rất nhiều (đã bảo tôi thích hình thức mà). Còn nói thẳng ra cũng là do tôi biết, nhiều khi trung tâm hay nhà hàng tổ chức cưới có thể lôm côm do họ không chuyên nghiệp được bằng dịch vụ của khách sạn 5 sao. Hơn nữa, với hơn 500 khách cũng sẽ rất lộn nhộn, không quản lý hết được người ra, người vào. Tôi đi nhiều đám cưới đông khách, cô dâu chú rể đang làm lễ ở trên, người ở dưới cắm đầu vào ăn hoặc tán chuyện hoặc rút điện thoại ra quát tháo nhân viên. Thật ra, nhiều khi cũng không trách được khách, vì chắc gì trong số 500 khách đấy người ta đã biết được cô dâu, chú rể là ai để mà chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc?
Với phương châm “mất lòng trước, được lòng sau”, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, và hơn hết là bản thân tôi phải có được cảm giác hạnh phúc, được người khác chia sẻ cái cảm giác đó trong chính đám cưới của mình, tôi nghĩ phải giảm được cái danh sách khách mời của bố tôi, chắc cụ khổ tâm lắm, đến giờ cưới xong rồi thỉnh thoảng vẫn dằn vặt tôi đấy. Cuối cùng, sau một hồi “đàm phán”, đe dọa lẫn năn nỉ, thì danh sách cũng được rút gọn và thông qua cả nhà là… 300 khách, hầu hết là họ hàng và bạn bè thân thiết của bốn thành viên trong gia đình nhà gái (nhà trai thì hầu như đã dự ở Anh rồi), phần còn lại chỉ gửi thiệp báo hỷ.
Tất nhiên là ở khâu chuẩn bị nào cũng sẽ gặp một ít khó khăn, ví dụ như việc đặt khách sạn Sheraton. Do họ là khách sạn mang tiếng “xịn” nên cũng khá kiêu. Tôi thì muốn đặt trước đám cưới ít nhất khoảng 6 tháng, bố tôi thì: “Ôi, đi đâu mà vội, Việt Nam có phải như nước ngoài đâu”. Lúc lên hỏi ngày cưới 1/9 thì khách sạn vẫn còn chỗ (tất nhiên, vì lúc đó mới khoảng tháng 2). Đến hôm tôi giục bố (mẹ) tôi lên làm hợp đồng, thì họ nói chưa thể làm được, vì ngày 1/9 sát Quốc khánh, chẳng may có ai muốn thuê họp hành chính phủ gì thì họ phải nhường cho việc quan trọng trước. Làm dân đen khổ thế chứ. Nghĩa là chờ đến 31/8 mới biết là có thuê được hay không hả? Tôi quyết định hủy đặt ở Sheraton, bố tôi bắt đầu lo.
Trang trí tiệc cưới của tôi tại Melia. Ảnh: Mai Nguyễn. |
Đến lúc chuyển địa điểm sang phương án B, tức là Melia thì cụ là người đầu tiên giục đi ký hợp đồng. Nhà tôi ký hợp đồng đặt trước khoảng 20% không hoàn lại vào tháng 3, trả nốt phần còn lại ba ngày trước hôm cưới (một điều khoản vui nhất trong hợp đồng là nếu hủy tiệc ít hơn 4 tháng trước ngày cưới phải trả 100% hợp đồng, nên các bạn cẩn thận nhé, nhớ đọc kỹ hợp đồng). Nhưng cuối cùng nghĩ lại chọn Melia có khi lại tốt hơn nhiều, địa điểm ngay trung tâm, phòng cưới to đẹp, vừa cho đúng 300 khách, lại ở trên tầng 7 với một phòng đón khách toàn kính, nhìn ngay xuống trung tâm thủ đô Hà Nội.
Vấn đề chọn món ăn cũng không phải quá khó. Ở Melia cũng chỉ có ba loại giá thực đơn để chọn, nhà tôi chọn ngay loại 9 món (đã bảo cưới ở Việt Nam là cứ phải mâm cao, cỗ đầy) đọc tên khá hấp dẫn, cộng thêm 1 chai nước ngọt cho mỗi khách lúc đón tiếp. Ngoài ra, còn có tiệc ăn thử đồ cho 8 người, rất hợp lý vì sau hôm đó, nếu có món nào tôi không vừa ý thì có thể đổi. Đồ uống thì phải mang vào, giá trọn gói thường bao gồm cả phí phục vụ rượu vang, bia và nước ngọt. Riêng phí phục vụ rượu mạnh là 65 USD để rót… 1 chai (nên trừ phi nhà bạn có điều kiện, còn không đừng có dại mà mang vào, cái này thường họ không viết trong hợp đồng đâu nên sẽ dễ bị lừa).
Về vấn đề đồ uống thì nhà tôi cũng thống nhất, chỉ mang rượu vang và nước ngọt, không mang bia để tránh trường hợp nhóm nào vui quá, máu nhậu nổi lên lại cụng cốc kiểu “dzô dzô” trong đám cưới thì cũng không được hay cho lắm (tất nhiên là vẫn mang một vài két dự phòng trường hợp khách nào không uống được rượu, chỉ rót nếu được yêu cầu thôi). Một điều mà các gia đình nên để ý là cố gắng phân ra một người quản lý rượu nếu như mang vào, vì nhà hàng thường họ sẽ rót rất tốn (hoặc ăn bớt nếu như rượu đắt tiền), tất nhiên là chỉ phòng khi thôi chứ không phải ở đâu cũng thế.
Hôm cưới nhà tôi cũng có vẻ rất tốn rượu mà thực ra rót cho khách thấy không được nhiều đến thế. Hôm ăn thử tiệc thì rất ngon do họ phục vụ từng món một nóng sốt. Hôm cưới thì họ đưa ra liên tiếp các món rất nhanh, đến lúc để hết trên bàn thì các món cũng nguội mất, nhưng cái này cũng khó tránh được do tiệc đông, phục vụ từng món chắc mất vài tiếng. Cô dâu hôm đó cũng chỉ kịp ăn bát súp nên không biết tình hình thức ăn thế nào, khách thì có vẻ mãn nguyện nhưng thức ăn cũng thừa kha khá, thực ra là do quá nhiều (hôm ăn thử tôi cũng chỉ ăn được đến món thứ sáu là đã no lắm rồi!). (Tôi đi hết một vòng chào khách vẫn đủ thời gian ngồi ăn nhưng vì mệt và các món ăn cũng nguội nên không còn hứng khởi, chỉ ăn được bát súp. Các cô dâu, chú rể cố gắng ăn trước nhé, để lấy sức chiến đấu!).
Lời khuyên cho các cô dâu: Do ở nước mình chưa quen văn hóa RSVP (cái này bắt nguồn của người Pháp, viết tắt của “Répondez s’il vous plaît”, tiếng Anh dịch là “Reply, please”, hiểu đơn giản là khi gửi thiếp mời, tôi đề nghị khách xác nhận xem họ có đến hay không thì báo lại), nên để biết được số lượng khách đến chính xác là không thể, mà tiệc ở khách sạn lại không trả theo mâm, tính theo đầu người nên chỉ có một cách là đàm phán với nhà hàng để được đặt bàn dự phòng, càng nhiều càng tốt. Ví dụ, thiệp mời 300 khách thì chỉ đặt 260 người thôi, và đặt 4 bàn dự phòng. Thường các khách sạn 5 sao chỉ cho dự phòng tối đa là 2 bàn nên không có lựa chọn, các nhà hàng có thể cho phép dự phòng từ 5 đến 10 bàn (50 – 100 người). Số lượng dự phòng này nếu sử dụng thì bạn sẽ trả thêm tiền sau tiệc cưới 1 ngày.